Viêm nha chu (còn được gọi là bệnh nướu răng) là một bệnh phổ biến do thói quen vệ sinh răng miệng kém. Nếu không điều trị kịp thời, viêm nha chu có thể gây đau nhức, chảy máu nướu răng, dẫn đến lung lay răng hoặc mất răng. Chính vì vậy, cần có các phương pháp phòng ngừa và điều trị hợp lí.
I. Tổng quan về viêm nha chu
Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu răng nghiêm trọng gây tổn thương mô mềm. Trong giai đoạn tiến triển, viêm nha chu có thể gây đau nhức, chảy máu nướu răng. Nếu không điều trị kịp thời sẽ phá hủy xương nâng đỡ răng, dẫn đến lung lay răng hoặc mất răng.
Viêm nha chu là một bệnh phổ biến nhưng phần lớn có thể phòng ngừa được. Nguyên nhân gây bệnh thường do thói quen vệ sinh răng miệng kém. Đánh răng ít nhất hai lần một ngày, dùng chỉ nha khoa hàng ngày và kiểm tra răng miệng thường xuyên có thể phòng ngừa, hỗ trợ điều trị viêm nha chu.
II. Nguyên nhân gây viêm nha chu
Viêm nha chu xảy ra do sự tích tụ của vi khuẩn và các mảng bám trên răng và nướu, thường là kết quả của việc vệ sinh răng miệng kém. Nếu không được xử lý, các mảng bám sẽ dẫn đến viêm nha chu qua các giai đoạn:
1. Mảng bám hình thành trên răng
Vi khuẩn có trong khoang miệng khi tương tác với tinh bột và đường trong thức ăn có thể tạo thành những “mảng bám” không màu dính trên răng. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày sẽ giúp loại bỏ mảng bám nhưng chúng sẽ nhanh chóng hình thành trở lại.
2. Hình thành cao răng (vôi răng)
Nếu mảng bám vẫn còn trên răng, chúng sẽ cứng lại dưới đường viền nướu tạo thành cao răng (vôi răng). Cao răng khó loại bỏ hơn và chứa đầy vi khuẩn. Mảng bám và cao răng lưu lại trên răng càng lâu thì chúng càng gây hại nhiều hơn. Không thể loại bỏ cao răng chỉ bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa.
3. Viêm nướu
Khi mảng bám và cao răng tích tụ nhiều sẽ dẫn đến viêm nướu. Viêm nướu là tình trạng kích ứng và viêm phần mô nướu xung quanh chân răng, là một dạng nhẹ nhất của viêm nha chu. Một trong những dấu hiệu đầu tiên của viêm nướu là nướu bị chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
4. Viêm nướu liên tục gây ra viêm nha chu
Tình trạng viêm nướu liên tục khiến nướu bị tụt xuống hoặc kéo ra khỏi răng. Sao đó, các túi nha chu nhỏ được hình thành giữa nướu và răng, chứa đầy mảng bám, cao răng và vi khuẩn. Theo thời gian, những túi này trở nên sâu hơn, chứa nhiều vi khuẩn hơn. Nếu không được điều trị, những vết nhiễm trùng sâu này sẽ gây mất mô và xương, cuối cùng dẫn đến mất một hoặc nhiều răng. Ngoài ra, tình trạng viêm mạn tính cũng có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của người bệnh, dẫn đến phản ứng viêm khắp cơ thể.
III. Các yếu tố nguy cơ của viêm nha chu
Có nhiều yếu tố khiến bạn có nguy cơ bị viêm nha chu cao hơn, bao gồm:
- Hút thuốc: Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ cao nhất của bệnh viêm nha chu. Ở những người hút thuốc, bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn và rụng răng cũng xảy ra nhanh hơn. Hút thuốc còn làm giảm hiệu quả điều trị. Khoảng 90% các trường hợp không đáp ứng điều trị liên quan đến người hút thuốc.
- Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ: Sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong giai đoạn dậy thì, mang thai và mãn kinh ở phụ nữ có thể làm cho nướu nhạy cảm hơn, nguy cơ viêm nha chu cao hơn.
- Các tình trạng gây suy giảm khả năng miễn dịch như bệnh bạch cầu, HIV/AIDS hoặc điều trị ung thư.
- Mắc một số bệnh lý như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh Crohn.
- Di truyền học
- Béo phì
- Dinh dưỡng không đầy đủ, bao gồm cả sự thiếu hụt vitamin C
- Sử dụng một số loại thuốc gây giảm tiết nước bọt hoặc thay đổi nướu
- Sử dụng ma túy, hút cần sa
IV. Triệu chứng của viêm nha chu
Ở người bình thường, nướu khỏe mạnh có màu hồng nhạt, chắc và ôm sát lấy răng. Khi bị viêm nha chu, các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Nướu bị sưng
- Nướu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc đỏ tía
- Nướu răng mềm, đau khi chạm vào
- Nướu dễ chảy máu
- Chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa
- Hơi thở hôi
- Có mủ giữa răng và nướu
- Răng lung lay hoặc mất răng
- Đau khi nhai
- Khoảng trống thừa phát triển giữa các răng
- Tụt nướu, làm cho răng trông dài hơn bình thường
- Thay đổi cách các răng khớp với nhau khi cắn
V. Các biến chứng của viêm nha chu
Biến chứng phổ biến nhất của viêm nha chu là tụt nướu, răng lung lay, mất răng hoặc áp xe nướu. Ngoài ra, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu qua mô nướu và gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Viêm nha chu có liên quan đến nguy cơ cao mắc các bệnh như bệnh hô hấp, đột quỵ, viêm khớp dạng thấp, bệnh mạch vành và vấn đề kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh tiểu đường.
Viêm nha chu còn liên quan đến nguy cơ sinh non cao hơn ở phụ nữ có thai, đồng thời cũng có liên quan đến trẻ nhẹ cân và tiền sản giật.
VI. Chẩn đoán viêm nha chu
Chẩn đoán viêm nha chu có thể thông qua nhiều phương pháp, bao gồm:
1. Khám lâm sàng
Các nha sĩ có thể phát hiện ra dấu hiệu của viêm nha chu ở giai đoạn đầu khi khám răng định kỳ cho bạn. Họ có thể theo dõi nha chu của bạn theo thời gian để đảm bảo tình trạng không trở nên tồi tệ hơn.
Nha sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ nhỏ gọi là “đầu dò nha chu” để đo độ sâu của các túi tại đường viền nướu. Quá trình này thường không gây đau. Ở người bình thường, độ sâu các túi này là 1 đến 3 mm, trong khi ở những người bị viêm nha chu thì độ sâu này thường từ 4 mm trở lên. Lúc này, nếu tìm thấy mảng bám hay cao răng trên răng của bạn, nha sĩ sẽ loại bỏ chúng.
2. Chụp X-quang
Việc chẩn đoán viêm nha chu có thể xác định bằng cách chụp X-quang. Trong những trường hợp đơn giản nhất, chỉ cần có hai hình ảnh (được gọi là hình ảnh “cánh cắn”). Ở những trường hợp phức tạp hơn có thể cần đến 14 lần chụp X-quang bổ sung và/hoặc chụp X-quang toàn cảnh. Những kết quả X-quang này cho thấy hình ảnh xương hàm bao quanh răng. Từ đó, giúp ước tính mức độ nghiêm trọng của tình trạng tiêu xương.
3. Xét nghiệm vi sinh
Các xét nghiệm vi sinh được tiến hành để kiểm tra thành phần của mảng bám răng và tìm vi khuẩn có hại, cụ thể như:
– Prevotella intermedia
– Porphyromonas gingivalis
– Agregatibacter actinomycetemcomitans
– Treponema denticola
Kết quả của các xét nghiệm này có thể cung cấp thông tin giúp nha sĩ đưa ra phương pháp chăm sóc thích hợp và tránh điều trị không cần thiết.
4. Phân loại bệnh
Có một hệ thống được quốc tế công nhận để phân loại các trường hợp viêm nướu và viêm nha chu. Các trường hợp viêm nha chu được phân loại theo bốn giai đoạn và ba cấp độ. Các giai đoạn mô tả mức độ nghiêm trọng của bệnh, trong khi các cấp độ mô tả tốc độ tiến triển có thể xảy ra. Bằng việc phân loại các trường hợp theo cách này, nha sĩ có thể đưa ra hình thức điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân.
VII. Phòng ngừa viêm nha chu
Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm nha chu là vệ sinh răng miệng sạch sẽ và tiến hành thăm khám nha khoa thường xuyên.
1. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Đánh răng trong 2 phút ít nhất hai lần mỗi ngày (vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ). Sử dụng kem đánh răng có chứa fluor. Nên dùng bàn chải có lông mềm hoặc có thể sử dụng bàn chải điện để tăng hiệu quả làm sạch răng.
Dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày để loại bỏ mảng bám.
Kết hợp sử dụng dung dịch súc miệng, nước muối loãng để loại bỏ hoàn toàn các mảng bám còn sót lại.
2. Thăm khám nha khoa thường xuyên
Bạn nên đến gặp nha sĩ hoặc nhân viên vệ sinh răng miệng thường xuyên để làm sạch răng chuyên nghiệp mỗi 6-12 tháng một lần. Nếu có các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển bệnh như hút thuốc hoặc khô miệng, bạn có thể cần đi khám nha khoa thường xuyên hơn.
VIII. Điều trị viêm nha chu
Việc điều trị viêm nha chu sẽ được chỉ định tùy theo mức độ và giai đoạn tiến triển của bệnh, bao gồm các phương pháp:
1. Vệ sinh răng miệng
Vệ sinh răng miệng sẽ làm giảm số lượng vi khuẩn trong miệng và do đó làm giảm mức độ viêm nhiễm. Bạn cần thực hiện theo các hướng dẫn vệ sinh và chỉ định từ nha sĩ.
2. Lấy cao răng
Trong quá trình khám nha khoa, nha sĩ sẽ loại bỏ mảng bám tích tụ và cao răng khỏi răng và chân răng của bạn, còn gọi là “lấy cao răng”. Sau đó đánh bóng răng và xử lý chúng với fluor. Tất cả các túi nha chu đã hình thành đều cần phải làm sạch sâu để có thể được chữa lành. Nếu cần, nha sĩ cũng sẽ loại bỏ tất cả cặn vi khuẩn và cao răng khỏi bề mặt chân răng và túi nướu.
3. Điều trị bằng khánh sinh
Trong một số trường hợp, nha sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng nướu kéo dài mà không đáp ứng với việc vệ sinh răng miệng.
4. Phẫu thuật
Nếu tình trạng viêm vẫn tiếp tục ở những vị trí không thể chải răng và dùng chỉ nha khoa, nha sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để làm sạch cặn bẩn dưới nướu răng của bạn. Sau khi gây tê cục bộ, nướu được nâng lên và bề mặt chân răng được làm sạch để đảm bảo tất cả vi khuẩn được loại bỏ. Kết thúc quy trình, nướu sẽ được khâu lại vào vị trí xung quanh răng. Các vết khâu thường được loại bỏ từ một đến hai tuần sau khi phẫu thuật. Nếu có tình trạng tiêu xương, phẫu thuật nha chu tái tạo sẽ được thực hiện.nhằm tái tạo lại xương bị mất xung quanh răng, cải thiện tiên lượng của răng.
————————————————-
Có thể thấy viêm nha chu là một bệnh nghiêm trọng. Hãy vệ sinh răng miệng sạch sẽ kết hợp thăm khám nha khoa thường xuyên.để ngừa bệnh và giữ cho mình một “nụ cười” khỏe mạnh. Để được tư vấn và giải đáp thắc mắc về bệnh, gọi ngay HOTLINE 1900 9482.
Tham khảo: Mayoclinic