Viêm nang lông da đầu là tình trạng viêm nhiễm một hay nhiều nang lông ở da đầu. Người gặp vấn đề này thường cảm thấy khó chịu, mất tự tin khi giao tiếp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Vậy viêm da đầu là gì? Làm cách nào để khắc phục triệt để tình trạng này? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp được những vướng mắc trên.
Mục lục
I. Viêm nang lông da đầu là gì?
Viêm nang lông da đầu là một rối loạn viêm của các nang tóc ở da đầu. Tình trạng này còn được gọi là “mụn hoại tử miliaris” hoặc “viêm nang lông do vi khuẩn Propionibacterium”. Dấu hiệu đặc trưng là các mụn mủ nhỏ màu đỏ có thể có đầu màu trắng. Các nốt mụn có thể chảy dịch và hình thành vảy màu nâu vàng.
Khi bị viêm nang lông da đầu, người bệnh ngứa nhiều, có cảm giác nóng rát hoặc châm chích, thường gây khó chịu nhất ở chân tóc phía trước.
Tổn thương có thể xuất hiện tại một vài vị trí trên da đầu, theo thời gian nếu không có biện pháp xử lý kịp thời chúng sẽ lan sang các nang khác, mụn có thể lớn hơn và viêm nhiễm nhiều hơn.
II. Phân biệt viêm nang lông da đầu với nấm da đầu/chốc đầu
Những viêm nhiễm ở vùng da đầu tương đối khó quan sát. Nếu bạn không theo dõi sát và có hiểu biết cụ thể, rất dễ nhầm lẫn thành các bệnh lý khác nhau, dẫn đến điều trị sai cách và làm bệnh trầm trọng hơn. Vì vậy, đối với tình trạng viêm nang lông da đầu cần phân biệt rõ với các bệnh lý về da đầu khác, đặc biệt là nấm da đầu (hay còn gọi là chốc đầu).
1. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính xuất hiện tình trạng viêm nang lông da đầu là do sự sinh sôi và phát triển quá mức của vi khuẩn, chủ yếu là tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa. Một số nguyên nhân khác có thể do nấm hoặc virus.
Nguyên nhân chính gây bệnh nấm da đầu (chốc đầu) là loại nấm Dermatophytes.
2. Triệu chứng của bệnh
Cả hai loại bệnh này đều khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu nhiều, tuy nhiên nó vẫn có biểu hiện đặc trưng khác nhau mà bạn cần biết đó là:
- Viêm nang lông da đầu gây ra tổn thương có dạng mụn nước, sưng đỏ, đầu mụn trắng, khi vỡ để lại vảy có màu vàng nâu. Để lâu ngày, tổn thương sâu hơn và có thể lây lan sang các nang tóc khác.
- Bệnh nấm da đầu (chốc đầu) để lại trên da các mảng trắng ngứa trên da đầu kèm vảy khô, dễ bong tróc. Tình trạng bệnh kéo dài sẽ dẫn tới bị nấm toàn da đầu, nguy cơ rụng tóc và hói đầu.
3. Đối tượng dễ mắc bệnh
Viêm nang lông da đầu thường xuất hiện ở các đối tượng:
- Hệ miễn dịch suy giảm như mắc các bệnh lý đái tháo đường, HIV/AIDs hay bệnh bạch cầu mạn tĩnh.
- Đối tượng bị mụn trứng cá hoặc viêm da, đang điều trị bằng thuốc steroid hoặc kháng sinh.
- Tổn thương trong quá trình sử dụng dao cạo đầu ở nam giới.
Bệnh nấm da đầu (chốc đầu) thường gặp ở những đối tượng:
- Người mắc các bệnh lý suy giảm hệ thống miễn dịch như: HIV/AIDs, tiểu đường, ung thư,….
- Có thể bị lây lan từ những loài vật nuôi trong nhà như chó mèo, gia súc.
- Người sống trong các khu dân cư đông đúc, môi trường ẩm ướt, điều kiện vệ sinh kém.
III. Cách xử trí viêm nang lông da đầu hiệu quả
Viêm nang lông da đầu là bệnh không quá nguy hiểm. Nếu bạn phát hiện kịp thời, bệnh hoàn toàn có thể được đẩy lùi mà không gây ra bất cứ biến chứng nào cho người bệnh. Đối với tình trạng viêm nang lông mức độ nhẹ, phát hiện sớm, bạn hoàn toàn có thể thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà an toàn và hiệu quả. Trong trường hợp tổn thương sâu và lan nhiều, bạn nên phối kết hợp các biện pháp xử lý dân gian, dùng thuốc để đẩy nhanh quá trình hồi phục. Dưới đây là một số cách xử lý viêm nang lông da đầu mà bạn có thể tham khảo.
1. Các phương pháp xử lý tại nhà
- Chườm ấm, gội đầu bằng nước ấm: giúp làm dịu da đầu, giảm ngứa ngáy, loại bỏ mủ tại các nốt mụn.
- Đối với trường hợp viêm nang lông da đầu do nấm, bạn có thể sử dụng loại dầu gội chứa thành phần kháng nấm như: ketoconazol, ciclopirox,…. Đối với sản phẩm dầu gội chứa hoạt chất kể trên không được tùy ý sử dụng, cần tuân thủ theo hướng dẫn của các cán bộ y tế có chuyên môn.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số phương pháp dân gian sau đây:
- Lá trầu không: đây là loại lá rất phổ biến, chứa một lượng lớn tinh dầu, có khả năng kháng khuẩn và làm sạch nhẹ nhàng. Bạn chỉ cần chuẩn bị một nắm lá trầu không rửa sạch, sau đó cho vào 2 lít nước đun sôi, để nguội. Sử dụng dịch chiết này để vệ sinh da đầu. Duy trì thực hiện 2 lần/tuần để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
- Dầu dừa: chứa một lượng lớn acid béo bão hòa có tác dụng làm mềm da đầu, nuôi dưỡng nang tóc chắc khỏe, giảm ngứa, dịu da. Để việc sử dụng có hiệu quả nhất, bạn nên thực hiện bôi dầu dừa sau mỗi lần gội đầu xong. Chú ý, lấy một lượng vừa đủ, tránh bôi quá nhiều làm bít tắc lỗ chân lông, khiến mụn xuất hiện nhiều hơn, gây phản tác dụng điều trị.
- Tinh dầu tràm trà: có khả năng tiêu diệt hiệu quả loại vi khuẩn pseudomonas acnes – tác nhân chính gây bệnh viêm nang lông nói chung. Bên cạnh đó tinh dầu tràm trà giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục tổn thương, hạn chế để lại sẹo xấu. Bạn cần sử dụng một vài giọt tinh dầu tràm trà thoa đều lên vùng da bị viêm nhiễm đã được làm sạch, massage nhẹ nhàng trong khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch lại bằng nước. Duy trì thực hiện 2-3 lần/tuần để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu nhất.
- Ngoài tác động tại chỗ, bạn có thể sử dụng một số thảo dược từ thiên nhiên pha nước để uống như: bồ công anh, kim ngân hoa,…. Chúng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giảm mủ viêm, tăng hiệu quả điều trị. Bạn nên duy trì thói quen này hằng ngày, kể cả khi viêm nang lông đã được đẩy lùi.
Các phương pháp xử lý viêm nang lông da đầu kể trên chỉ thực hiện đối với những tổn thương nhẹ, mới chớm, chưa có hiện tượng mụn mủ hay chảy dịch, người bệnh cần kiên nhẫn thực hiện mới thấy được hiệu quả điều trị.
>>> Xem thêm: Cách xử lý viêm nang lông tại nhà hiệu quả
2. Phương pháp dùng thuốc điều trị
Đối với tổn thương lan rộng, việc áp dụng các phương pháp xử lý tại nhà không có sự tiến triển, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ soi da và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương mà bác sĩ có thể phối kết hợp các loại thuốc khác nhau:
- Nhóm thuốc kháng sinh đường bôi gồm một số hoạt chất như: acid fusidic, mupirocin, neomycin, erythromycin, clindamycin,… để tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nang lông da đầu, chủ yêu là tụ cầu vàng. Đối với tình trạng bệnh nặng, hay tái phát cần kết hợp sử dụng kháng sinh đường uống.
- Nhóm thuốc kháng nấm đường bôi kết hợp đường uống chứa các hoạt chất như: itraconazol, fluconazol, ketoconazol,….
- Nhóm thuốc kháng virus đường bôi kết hợp đường uống chứa hoạt chất điển hình là acyclovir,….
- Nhóm thuốc kháng histamin H1 như: loratadin,… giúp làm giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trên da đầu.
Bên cạnh tác dụng điều trị, bất cứ loại thuốc nào cũng ẩn chứa nhiều tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Vì vậy, trước khi bắt đầu sử dụng thuốc, bạn cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc của các bác sĩ. Trong quá trình dùng thuốc, nếu xuất hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào, cần ngừng thuốc và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, từ đó đưa ra hướng xử trí kịp thời.
>>> Xem thêm: Điều trị viêm nang lông theo hướng dẫn của Bộ Y Tế
IV. Cách phòng ngừa viêm nang lông da đầu tái lại
Viêm nhiễm da đầu rất dễ tái lại trong trường hợp xuất hiện các yếu tố thuận lợi. Vì vậy, để phòng ngừa viêm nang lông da đầu tái lại bạn cần:
- Khi có những dấu hiệu bất thường, bạn cần đi khám bác sĩ để phát hiện sớm và có biện pháp xử trí hiệu quả.
- Giữ cho da đầu được khô thoáng, không nên đội mũ trong thời gian dài.
- Lựa chọn dầu gội chứa thành phần lành tính, không gây kích ứng, không chứa chất tẩy rửa mạnh.
- Không để đầu ướt khi đi ngủ, vệ sinh thường xuyên các vật dụng dùng cho tóc như: lược, khăn lau đầu,….
- Không sử dụng dao cạo tóc cùn, chưa được vệ sinh sạch sẽ.
- Hạn chế cào gãi da đầu để tránh gây thương tổn cho da.
- Trong trường hợp có chỉ định dùng thuốc, cần sử dụng đúng liều, đủ thời gian để hạn chế tình trạng vi khuẩn kháng thuốc và ngăn ngừa hiện tượng tái phát lại bệnh.
Trên đây là những thông tin đầy đủ và hệ thống nhất liên quan đến tình trạng viêm nang lông da đầu. Nếu còn bất cứ vướng mắc nào khác, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số HOTLINE: 1900 9482 để được các chuyên gia da liễu tư vấn và giải đáp kịp thời.
>>> Xem bài viết: Nhận diện và xử trí viêm lỗ chân lông ở mặt chuẩn khoa học