Vi khuẩn gây mụn P.acnes là loại vi khuẩn phổ biến cư trú trên da và là nguyên nhân chính dẫn tới việc xuất hiện mụn. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ rõ hơn về loại vi khuẩn gây mụn này, từ đó đưa đến cho bạn đọc những giải pháp, cách phòng ngừa mụn hiệu quả và an toàn nhất.
I. Giới thiệu chung về vi khuẩn gây mụn P.acnes
P.acnes có tên khoa học đầy đủ là Propionibacterium acnes – vi khuẩn gram dương, sống trong môi trường kỵ khí. P.acnes là một sinh vật phát triển tương đối chậm, khó phân lập trong môi trường nuôi cấy thông thường, có thể tồn tại trong các mô mềm ngay cả khi đã được khử trùng đầy đủ. Trên da, chúng cư trú trong các lỗ chân lông và nang lông. Các chất bã nhờn là nguồn thức ăn chính, giúp P.acnes sinh sôi và phát triển nhanh chóng. Chính vì vậy, P.acnes được coi là nguyên nhân chính gây ra các loại mụn như: mụn trứng cá, mụn mủ, mụn viêm, mụn bọc,….
Tuy nhiên, có nghiên cứu cho rằng trong các trường hợp bị mụn trứng cá nặng, P.acnes tồn tại như một chất kích thích miễn dịch ở người. Chúng có vai trò trong cơ chế bảo vệ tự nhiên để chống lại các bệnh đe dọa đến tính mạng như sốt rét, dịch hạch.
II. Cơ chế gây mụn của vi khuẩn gây mụn P.acnes
Khi da mặt không được chăm sóc đúng cách, còn nhiều bụi bẩn, dầu thừa, bã nhờn tích tụ trong các lỗ chân lông. Vi khuẩn gây mụn P.acnes thường bị mắc kẹt trong các lớp tế bào giác mạc và bã nhờn, nhanh chóng xâm chiếm nhân mụn, tạo ra một lớp microcomedone – một cấu trúc không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Từ cấu trúc nhỏ đó, nếu không được xử lý ngay, chúng sẽ phát triển thành cấu trúc lớn hơn, gọi là mụn trứng cá.
Sự phá vỡ lớp niêm mạc của mụn trứng cá ban đầu được cho là do quá trình thủy phân chất béo trung tính qua trung gian P.acnes, tạo ra sản phẩm là các acid béo tự do. Tuy nhiên, hiện nay người ta cho rằng các chất do P.acnes sản xuất ra có liên quan trực tiếp đến sự phá vỡ biểu mô mụn trứng cá. Vi khuẩn này tiết ra nhiều polypeptide, trong đó có nhiều enzyme ngoại bào như: protease, hyaluronidase, neuraminidase và những chất khác. Các chất này có thể tham gia vào quá trình thẩm thấu biểu mô và xâm nhập gây viêm.
Ngoài ra, P.acnes còn tạo ra các yếu tố hóa học, các yếu tố gây cảm ứng tiền viêm cytokine. Một phản ứng viêm nhiễm ban đầu sẽ có sự xuất hiện của các tế bào bạch cầu đa nhân. Các tế bào này đảm nhận vai trò thực bào để tiêu diệt P.acnes – mầm bệnh đang tấn công cơ thể. Tuy nhiên, khi bạch cầu suy yếu và chết đi, vi khuẩn P.acnes phát triển mạnh mẽ hơn thì tình trạng mụn sẽ trở nên trầm trọng, khó kiểm soát.
III. Cách loại bỏ vi khuẩn gây mụn P.acnes
1. Vệ sinh da mặt sạch sẽ
Cách hiệu quả và có tác dụng lâu dài nhất cần phá hủy môi trường sống của loại vi khuẩn gây mụn này, làm chúng không có cơ hội sinh sôi nảy nở. Do đó, cần làm sạch da mặt để loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn và dầu thừa, đưa oxy vào nang lông, giúp làn da luôn được thông thoáng.
Trước khi bắt đầu quá trình vệ sinh da mặt, bạn cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và thực hiện 3 bước chăm sóc cơ bản sau đây.
Bước 1: Tẩy trang mặt sạch sẽ
Đối với những bạn không trang điểm mà chỉ sử dụng kem chống nắng cũng cần phải tẩy trang đầy đủ. Vì chỉ sử dụng sữa rửa mặt sẽ không loại bỏ hoàn toàn được bụi bẩn, dầu thừa đọng trên da, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Bước 2: Làm sạch da mặt bằng sữa rửa mặt chuyên dụng
Sau bước tẩy trang, bạn cần rửa mặt lại bằng các sản phẩm phù hợp. Đây là bước rất quan trọng, đảm bảo loại bỏ hoàn toàn những bụi bẩn, dầu thừa còn sót lại, giúp làn da hoàn toàn sạch sẽ, hỗ trợ tốt cho bước chăm sóc tiếp theo.
Bước 3: Dưỡng ẩm cho da
Có rất nhiều người nhầm lẫn rằng, da mặt ẩm quá dẫn đến tình trạng mụn xuất hiện. Vì thế chỉ cần làm sạch da mặt mà bỏ qua việc cấp ẩm cho da mặt. Tuy nhiên, nếu da bị khô, thiếu ẩm, sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động để cân bằng lại ẩm cho da, khi đó mụn sẽ xuất hiện. Vì vậy, cần cung cấp cho da dưỡng chất cần thiết để thiết lập lại cân bằng ẩm, hạn chế mụn xuất hiện.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chăm sóc da mặt khác nhau nên việc lựa chọn vô cùng khó khăn, đặc biệt là những làn da bị tổn thương do mụn. Vì vậy, bạn cần đến các phòng khám da liễu, để các bác sĩ giúp bạn chọn ra bộ sản phẩm chăm sóc da phù hợp nhất.
>>> Xem bài viết: Cách xử lý mụn viêm hiệu quả, an toàn và không thâm sẹo
2. Sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu
Đối với tình trạng da mặt quá nhiều mụn, P.acnes sinh sôi mạnh mẽ làm xuất hiện tình trạng mụn mủ, mụn viêm, thì bạn cần sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu. Mục đích để tiêu diệt triệt để vi khuẩn P.acnes, ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm xảy ra. Dựa vào mức độ bị mụn của từng cá thể mà bác sĩ sẽ sử dụng thuốc điều trị tại chỗ hoặc toàn thân hoặc kết hợp cả 2 cách trên.
Các thuốc điều trị tại chỗ bao gồm:
- Kháng sinh bôi tại chỗ tiêu diệt và ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn: erythromycin, clindamycin,… Chú ý không nên sử dụng thuốc quá 2 tháng.
- Benzoyl peroxide: Là một chất oxy hóa, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn P.acnes, ngoài ra nó còn làm bong lớp sừng và tróc vảy da.
- Acid azelaic: là một dicarboxylic ngăn chặn quá trình tạo enzyme tyrosinase – enzyme cần thiết cho quá trình hình thành nấm, đồng thời chống lại P.acnes và tụ cầu vàng là nguyên nhân gây mụn trứng cá.
Các thuốc dùng toàn thân gồm có:
- Kháng sinh đường uống: azithromycin, doxycycline, erythromycin.
- Liệu pháp hormone: được sử dụng trong các trường hợp bị mụn mức độ vừa đến nặng.
Các thuốc điều trị mụn đặc hiệu nên dùng theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là kháng sinh. Tránh tự ý dùng và lạm dụng thuốc để không gặp phải các tác dụng phụ bất lợi cho da mặt và sức khỏe chung.
>>> Xem bài viết: Mình đã hết 90% mụn viêm nặng chỉ sau 1 tuần
IV. Cách phòng ngừa mụn do vi khuẩn gây mụn P.Acnes
Để ngăn ngừa mụn do vi khuẩn P.acnes xuất hiện, bạn cần trang bị cho bản thân các cách phòng tránh như sau:
1. Chăm sóc da mặt cẩn thận
Chăm sóc da mặt hằng ngày giúp da luôn được sạch sẽ, lỗ chân lông thông thoáng, hạn chế tối đa nguy cơ xuất hiện mụn. Cần chú ý rằng: trước khi thực hiện quá trình làm sạch da, cần vệ sinh tay bằng xà phòng.
2. Chế độ ăn uống khoa học
Việc xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh không những tốt cho sức khỏe từ bên trong mà còn giúp da luôn mịn màng, rạng ngời, không lo các vấn đề về mụn.
Ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Hạn chế ăn nhiều đồ dầu mỡ, cay nóng, kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh dẫn đến mụn xuất hiện nhiều.
Uống đủ 2 lít nước lọc mỗi ngày. Hạn chế các đồ uống có cồn, chất kích thích như bia, rượu, nước ngọt, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mọi người.
3. Không thức khuya
Thức khuya không những có hại cho sức khỏe mà còn là yếu tố làm xuất mụn xuất hiện. Ban đêm là thời điểm vàng giúp da được “thở” một cách thoải mái nhất, việc trao đổi oxy với môi trường hoạt động được hiệu quả nhất. Do vậy, bạn cần tạo thói quen đi ngủ sớm để có được một làn da mịn màng, rạng rỡ mỗi ngày.
4. Tránh căng thẳng, mệt mỏi
Luôn giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, hạn chế tối đa căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. Điều này không tốt cho sức khỏe và cả da mặt của bạn.
5. Hạn chế chạm tay lên mặt
Thói quen tưởng chừng vô hại này nhưng lại là nguyên nhân đưa vi khuẩn xâm nhập vào da một cách nhanh chóng hơn. Vì vậy mọi người cần có ý thức, hạn chế chạm tay lên mặt vì hành động này không tốt đối với da mặt của bạn.
6. Vệ sinh đồ dùng cá nhân thường xuyên
Chăn, ga, gối, màn cũng cần được giặt giũ, thay đổi thường xuyên để đảm bảo môi trường sống luôn được thoáng đãng và sạch sẽ nhất. Như vậy, mới ngăn chặn tối đa sự phát triển của vi khuẩn gây mụn P.acnes.
P.acnes là vi khuẩn luôn tồn tại trên da của mỗi chúng ta. Vì vậy, để giữ cho da không bị mụn, chúng ta cần kết hợp thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc khác nhau để chúng không có cơ hội phát triển mạnh mẽ, ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện mụn. Nếu còn bất cứ vấn đề thắc mắc nào khác, hãy liên hệ với chúng tôi theo số HOTLINE: 1900 9482 để được các chuyên gia y tế giải đáp cụ thể.