Bệnh tay chân miệng hiện vẫn xuất hiện khá nhiều, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ em. Tùy vào triệu chứng tay chân miệng mà cách điều trị sẽ khác nhau. Bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn đọc biện pháp xử lý bệnh tay chân miệng theo các phân độ của bệnh.
I. Con đường lây bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường do 2 nhóm virus gây ra là Enterovirus và Coxsackie virus. Con đường lây truyền bệnh chủ yếu qua đường hô hấp hay đường tiêu hóa.
Enterovirus gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Virus gây bệnh tay chân miệng có trong phân, nước bọt hay dịch sổ mũi. Khi mầm bệnh phát tán ra ngoài, chúng có thể tồn tại lâu dài ở điều kiện nhiệt độ phòng.
Con đường lây truyền bệnh thuận lợi là việc trẻ chơi chung đồ chơi với nhau. Nhiều trẻ có xu hướng ngậm hay mút đồ chơi, đây là yếu tố dễ khiến trẻ lành bị nhiễm bệnh. Thực tế đã chỉ ra rằng các ổ dịch tay chân miệng thường xuất hiện ở những nhà trông giữ trẻ hay nhà mẫu giáo.
Thời điểm thường bùng phát dịch tay chân miệng là mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) và cuối thu (từ tháng 9 đến tháng 12).
>>> Xem bài viết: Cảnh báo ba con đường lây lan của bệnh tay chân miệng
II. Triệu chứng tay chân miệng theo 4 phân độ bệnh
Các chuyên gia Y tế đã chia bệnh chân tay miệng thành 4 mức phân độ khác nhau. Tùy vào từng phân độ bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị thích hợp.
1. Phân độ 1
Bệnh nhân tay chân miệng có những triệu chứng thể nhẹ. Thông thường các triệu chứng diễn ra trong các giai đoạn sau.
- Giai đoạn ủ bệnh: Thường diễn ra trong vòng 3 đến 7 ngày mà không xuất hiện triệu chứng nào đáng kể.
- Giai đoạn khởi phát: Bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng của tay chân miệng như sốt nhẹ, có thể kèm theo tiêu chảy.
- Giai đoạn toàn phát: Triệu chứng điển hình của tay chân miệng là các bọng nước xuất hiện trên da. Ngoài ra vết loét có thể xuất hiện ở vùng niêm mạc miệng, lưỡi khiến trẻ khó nuốt và quấy khóc.
- Giai đoạn lui bệnh: Sau 3 đến 5 ngày, các triệu chứng thuyên giảm dần, bọng nước khô và xẹp lại.
2. Phân độ 2
2.1. Độ 2a:
Bệnh nhân tay chân miệng được xếp vào độ 2 a nếu có các triệu chứng sau:
- Sốt trên 2 ngày hoặc sốt cao trên 39 độ.
- Khai thác bệnh sử có dấu hiệu giật mình dưới 2 lần trong 30 phút nhưng không xuất hiện khi khám bệnh.
- Trẻ quấy khóc vô cớ, xuất hiện tình trạng nôn, nét mặt lừ đừ, khó ngủ.
2.2. Độ 2b:
Bệnh nhân thuộc 1 trong 2 nhóm có một trong các dấu hiệu sau được chẩn đoán độ 2b.
Nhóm 1:
- Khai thác bệnh sử có dấu hiệu giật mình ≥ 2 lần một phút.
- Khi khám có dấu hiệu giật mình.
- Bệnh sử có giật mình kèm dấu hiệu mạch nhanh ≥ 150 lần một phút, ngủ gà hay sốt trên 39 độ và không đáp ứng với các thuốc hạ sốt.
Nhóm 2:
- Biểu hiện của thất điều: Ngồi không vững, đi lại loạng chọang, run mình mẩy, run chân tay.
- Dấu hiệu của lác mắt, rung giật nhãn cầu.
- Trẻ bị yếu chi, thậm chí liệt chi.
- Dấu hiệu của liệt dây thần kinh sọ như sắc mặt thay đổi, nuốt sặc.
3. Phân độ 3
Bệnh tay chân miệng độ 3 có những dấu hiệu sau:
- Khi khám thấy tình trạng thở nhanh, thở bất thường.
- Có cơn ngưng thở, thở rút lõm ngực, thở nông hay thở bằng bụng.
- Trẻ có dấu hiệu khò khè, thở rít thanh quản.
- Trẻ lạnh toàn thân hay khu trú kèm vã mồ hôi.
- Mạch nhanh ≥ 170 lần một phút (dù nằm yên và không sốt)
- Tăng trương lực cơ, rối loạn tri giác (Xác định bằng thang điểm Glasgow < 10 điểm)
4. Phân độ 4
Phân độ 4 là mức độ bệnh nặng nhất, khi đó trẻ có những dấu hiệu sau:
- Phù phổi cấp, bệnh nhân tím tái, Sp02 < 92%.
- Sốc, thở nấc hay thậm chí ngưng thở.
III. Biện pháp điều trị tay chân miệng theo từng phân độ
1. Phân độ 1
Đối với trẻ bị tay chân miệng độ 1 trên 1 tuổi và không có bệnh kèm theo, chỉ cần khám và điều trị ngoại trú. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị tay chân miệng nên phác đồ điều trị nhằm hỗ trợ và tăng cường hệ miễn dịch. Phương pháp điều trị tay chân miệng độ 1 bao gồm:
- Sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10mg/kg thể trọng nếu trẻ có sốt. Lưu ý khoảng cách giữa 2 liều tối thiểu 6 giờ.
- Chế độ dinh dưỡng đảm bảo đủ chất, đối với trẻ còn bú mẹ vẫn duy trì cho bú bình thường. Lưu ý: Nên cho trẻ ăn đồ ăn lỏng, mềm và dễ nuốt như cháo hay súp. Tránh những thực phẩm làm vết loét tổn thương thêm như đồ cay nóng, bánh kẹo ngọt, đồ chiên rán.
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ, vệ sinh răng miệng cho trẻ nhẹ nhàng hàng ngày.
- Cần tái khám mỗi 1 đến 2 ngày trong tối thiểu 10 ngày kể từ khi phát bệnh. Nếu trẻ có sốt cần tái khám mỗi ngày đến khi hết sốt tối thiểu 48 giờ.
- Nếu trẻ có những dấu hiệu của tay chân miệng độ 2, cần cho trẻ tái khám ngay tại các cơ sở Y tế.
2. Phân độ 2
Đối với phân độ 2, bệnh nhân cần điều trị nội trú.
Điều trị tay chân miệng độ 2a:
- Có thể điều trị như các biện pháp của phân độ 1.
- Trong trường hợp thuốc hạ sốt Paracetamol không hiệu quả, cần phối hợp với Ibuprofen với liều 10 – 15mg/kg một lần. Khoảng cách giữa 2 liều là 8 giờ, dùng xen kẽ với các lần dùng Paracetamol.
- Sử dụng thuốc an thần, chống co giật đường uống Phenobarbital với liều từ 5 đến 7mg/kg thể trọng mỗi ngày.
- Theo dõi chặt chẽ bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
Điều trị tay chân miệng độ 2b:
- Sử dụng biện pháp thở hỗ trợ bằng cách thở oxy qua mũi từ 3 đến 6 lít mỗi phút.
- Cho bệnh nhân nằm cao đầu khoảng 30 độ so với phương ngang.
- Dùng thuốc an thần, chống co giật Phenobarbital truyền tĩnh mạch liều từ 10 đến 20mg/kg. Sử dụng liều lặp lại như trên sau 10 đến 12 giờ nếu cần.
Sử dụng kháng thể Immunoglobulin:
- Nhóm 2: Dùng truyền tĩnh mạch với liều 1g/kg thể trọng mỗi ngày. Nếu sau 24 giờ vẫn còn triệu chứng của phân độ 2b cần dùng liều thứ 2.
- Nhóm 1: Không chỉ định sử dụng thường qui. Nếu sau 6 giờ các triệu chứng không giảm khi dùng Phenobarbital thì mới sử dụng Phenobarbital. Sau 24h bác sĩ sẽ quyết định có dùng liều thứ 2 không.
3. Phân độ 3
Bệnh tay chân miệng độ 3 cần điều trị nội trú tại phòng hồi sức tích cực:
- Cho bệnh nhân thở oxy qua mũi lưu lượng khí 3 đến 6 lít mỗi phút.
- Đặt nội khí quản giúp thở sớm dự phòng trường hợp thất bại với biện pháp thở oxy.
- Biện pháp chống phù não: Nằm cao đầu 30 độ, hạn chế truyền dịch (Thể tích dịch truyền chỉ còn ½ đến ¾ so với bình thường).
- Thở máy để giữ mức PaCO2 đảm bảo từ 25 đến 35mmHg, duy trì PaO2 đảm bảo từ 90 đến 100mmHg.
- Dùng Phenobarbital truyền tĩnh mạch liều 10 đến 20mg/kg thể trọng, sử dụng liều lặp lại sau 8 đến 12 giờ nếu cần thiết.
- Kháng thể Immunoglobulin truyền tĩnh mạch chậm liều 1g/kg thể trọng trong 2 ngày, hai liều cách nhau 6 đến 8 giờ.
- Thuốc điều trị suy tim Dobutamin sử dụng truyền tĩnh mạch khi mạch nhanh > 170 lần/phút với liều khởi đầu là 5µg/kg/phút, tăng dần đến liều tối đa là 20 µg/kg/phút.
- Nếu bệnh nhân bị tăng huyết áp, sử dụng Milrinone truyền tĩnh mạch liều 0,420 µg/kg/phút.
- Điều trị tình trạng hạ đường huyết, rối loạn nước điện giải nếu xảy ra.
- Hạ sốt tích cực cho bệnh nhân.
- Nếu xuất hiện co giật: Dùng Midazolam truyền tĩnh mạch liều 0,15mg/kg thể trọng, dùng lập lại sau 10 phút tối đa 3 lần nếu trẻ còn co giật.
- Theo dõi thường xuyên nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, phản xạ tri giác để xử trí kịp thời nếu bệnh tiến triển nặng thêm.
4. Phân độ 4
Đặt nội khí quản, bệnh nhân thở oxy bằng máy giữ PaCO2 đảm bảo từ 25 đến 35mmHg, duy trì PaO2 đảm bảo từ 90 đến 100mmHg.
Chống sốc cho bệnh nhân (do viêm cơ tim hoặc tổn thương trung tâm vận mạc)
- Nếu không thấy dấu hiệu suy tim hay phù phổi: Tiến hành truyền dịch NaCl 0,9% hay Ringer lactat 5ml/kg/15 phút.
- Dùng Dobutamin liều khởi đầu 5µg/kg/phút, tăng dần liều đến tối đa 20µg/kg/phút.
Nếu có phù phổi cấp:
- Dừng truyền dịch, dùng ngay Dobutamin liều tối đa 20µg/kg/phút.
- Nếu bị quá tải dịch, dùng thuốc lợi tiểu Furosemid liều 1 đến 2 mg/kg một lần tiêm tĩnh mạch.
- Điều trị tình trạng rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan nếu có.
- Kháng thể Immunoglobulin được chỉ định dùng khi huyết áp ≥ 50mmHg.
- Theo dõi nhiệt độ, nhịp thở, tri giác, SpO2 liên tục để nắm rõ được tiến triển của bệnh.
IV. Cách phòng tránh hiệu quả bệnh tay chân miệng
Đối tượng thường nhiễm bệnh tay chân miệng là từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi, trong đó tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 3 tuổi cao hơn rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp người lớn bị lây nhiễm bệnh tay chân miệng trong quá trình vệ sinh, chăm sóc cho trẻ.
Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên
Điều đó chứng tỏ rằng bất kỳ ai cũng có thể bị lây nhiễm tay chân miệng, do đó thực hiện các biện pháp phòng tránh là rất cần thiết. Vì vậy để phòng tránh hiệu quả bệnh tay chân miệng bạn đọc cần lưu ý những điều sau:
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh đồ chơi, vệ sinh nơi ở bằng chất tẩy rửa thông thường.
- Thực hiện ăn chín uống sôi.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Nếu trẻ có các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, cần đưa đến các cơ sở Y tế để có biện pháp điều trị phù hợp.
>>> Xem bài viết: Tay chân miệng – Con đường lây nhiễm và 10 cách phòng ngừa hiệu quả
Trên đây là những triệu chứng tay chân miệng điển hình cùng biện pháp điều trị bệnh. Nếu còn thông tin nào thắc mắc, hãy liên hệ tới Hotline: 1900 9482, Chuyên gia Y tế sẽ tư vấn và giải đáp các thắc mắc cho bạn.
Tham khảo: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em – Bộ Y Tế