Nấm miệng là bệnh lý do sự sinh sôi và phát triển của loài nấm Candida trên niêm mạc miệng. Hiện nay, thuốc nấm miệng Nystatin là chỉ định phổ biến trong quá trình điều trị bệnh. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến các bạn những thông tin cần thiết nhất về loại thuốc này. Từ đó giúp bạn có các bước chăm sóc đúng cách để giải quyết triệt để tình trạng nấm miệng.
I. Thành phần và dạng bào chế
Thành phần chính trong thuốc nấm miệng chính là Nystatin. Đây là hoạt chất chống nấm được chiết xuất từ dịch nuôi cấy nấm Streptomyces noursei. Nystatin liên kết với các sterol ở màng tế bào nấm làm biến đổi tính thấm và chức năng của màng, kali và các thành phần thiết yếu khác của tế bào nấm bị cạn kiệt. Từ đó, Nystatin giúp tiêu diệt được nhiều loại nấm men và có tác dụng tốt nhất trên Candida albicans.
Ngoài ra, trong nystatin còn chứa các tác dược: Natri carboxymethyl cellulose, methyl p-hydroxybenzoate (E218), propyl p-hydroxybenzoate (E216), natri metabisulphite (E223), saccarozo, saccharin natri, natri citrat, hương hoa hồi cố định, nước tinh khiết.
Thuốc chống nấm Nystatin nói chung có nhiều dạng bào chế như: viên uống, thuốc bôi tại chỗ, hỗn dịch, viên đặt âm đạo, thuốc bột. Riêng đối với thuốc Nystatin điều trị nấm miệng thường sử dụng dạng thuốc bột để pha hỗn dịch hoặc viên ngậm.
II. Khả năng hấp thu của thuốc nấm miệng Nystatin
Dù ở bất kỳ dạng bào chế nào, nystatin rất ít có khả năng hấp thu vào vòng tuần hoàn máu. Sự hấp thu nystatin qua đường tiêu hóa là không đáng kể. Hầu hết nystatin dùng đường uống được chuyển hóa qua phân dưới dạng không đổi. Do vậy, nystatin không có tác dụng trong điều trị nhiễm nấm toàn thân.
III. Nystatin được dùng trong những trường hợp nào?
Nystatin được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:
- Phòng ngừa và điều trị nhiễm nấm Candida ở khoang miệng, thực quản, đường ruột.
- Hiệu quả trong dự phòng chống lại nấm Candida miệng từ những em bé được sinh ra khi mẹ bị nấm Candida âm đạo.
IV. Đối tượng không nên sử dụng hoặc thận trọng khi dùng thuốc nấm miệng Nystatin
Những đối tượng đã có tiền sử dị ứng với nystatin hay bất cứ thành phần nào có trong công thức thuốc đều không nên sử dụng.
Ngoài ra, một số trường hợp kể sau đây cũng cần thận trọng khi dùng thuốc nystatin:
- Nystatin chứa sucrose. Bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp fructose, kém hấp thu glucose-galactose hoặc suy giảm hoạt tính sucrase-isomaltase không nên dùng thuốc này. Điều này cũng cần được lưu ý ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Nystatin chứa propyl p-hydroxybenzoate và methyl p-hydroxybenzoate có thể gây ra các phản ứng dị ứng.
- Nystatin chứa natri metabisulphite (E223) có thể gây ra phản ứng quá mẫn nghiêm trọng và co thắt phế quản (hiếm gặp).
V. Cách sử dụng thuốc nấm miệng Nystatin an toàn – hiệu quả nhất
1. Đối tượng sử dụng Nystatin
Nấm miệng là tình trạng gặp phải ở bất cứ đối tượng nào do những nguyên nhân sau đây:
- Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ.
- Sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch, corticoid.
- Suy giảm miễn dịch ở người bị bệnh bạch cầu, HIV, hóa trị và xạ trị ở bệnh nhân ung thư.
- Nguyên nhân khác: hút thuốc lá, đeo răng giả,….
Tất cả các nguyên nhân trên đều dẫn đến tình trạng khả năng miễn dịch bị suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật có hại ở trong khoang miệng sinh sôi, phát triển. Từ đó, dẫn đến tình trạng nấm miệng. Vì vậy, cần sử dụng thuốc trị nấm kết hợp với dung dịch kháng khuẩn miệng để tiêu diệt triệt để các tế bào gây bệnh.
2. Cách sử dụng thuốc nấm miệng Nystatin cho từng đối tượng
Do việc không hấp thu vào máu, ít gây ra tác dụng toàn thân nên thuốc nystatin tương đối an toàn khi sử dụng trên mọi đối tượng. Tuy nhiên thuốc cần có đủ thời gian tiếp xúc tại khoang miệng để phát huy tối đa tác dụng. Do đó với mỗi đối tượng sẽ có cách dùng ứng với mỗi dạng bào chế khác nhau.
2.1. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi
Dạng thuốc: Nystatin dạng bột để rơ lưỡi cho trẻ
Liều dùng:
- Trẻ sơ sinh: ½ gói 1g mỗi lần, ngày 2 lần
- Trẻ em dưới 5 tuổi: 1 gói 1g mỗi lần, ngày rơ 2 lần.
- Trong trường hợp nấm miệng nặng, mẹ có thể rơ cho bé ngày 3-4 lần.
Cách dùng:
- Pha thuốc với ¼ muỗng cafe (tương đương 5ml) bằng nước sôi để nguội.
- Dùng gạc rơ lưỡi thấm thuốc và rơ cho bé.
- Giữ trong khoảng 20 phút, sau đó mới cho bé ăn hoặc bú lại.
Lưu ý:
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sau khi hết triệu chứng quanh miệng, cần tiếp tục sử dụng nystatin ít nhất 48 giờ. Nếu sau 14 ngày điều trị vẫn còn triệu chứng, cần xem xét lại chẩn đoán.
- Không nên pha thuốc quá loãng vì điều này có thể làm giảm hiệu quả tác dụng của thuốc.
>>> Xem bài viết: Cách chữa nấm miệng ở trẻ nhỏ hiệu quả, ngăn tái phát
2.2. Người lớn
- Với thuốc bột Nystatin: 2 gói mỗi lần, ngày 2 lần. Cách sử dụng tương tự như dùng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Với thuốc dạng viên ngậm hoặc hỗn dịch: 400.000-600.000 UI* 4 lần/ngày.
Đối với dạng hỗn dịch cần lắc đều trước khi dùng và nên giữ thuốc càng lâu càng tốt. Mục đích là để thuốc tiếp xúc được với vị trí bị tổn thương trước khi nuốt.
>>> Xem bài viết: Nấm miệng ở người lớn – Nguyên nhân và cách xử lý
VI. Những điều lưu ý khi sử dụng thuốc nấm miệng Nystatin
1. Tác dụng phụ của nystatin
Nystatin thường được dung nạp tốt ở tất cả các nhóm tuổi, ngay cả khi sử dụng kéo dài. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng có thể xuất hiện một số tác dụng không mong muốn sau đây:
- Nôn, buồn nôn
- Với liều lượng lớn có thể gây tiêu chảy, đau dạ dày ruột
- Phát ban, mày đay.
- Hội chứng Steven-Johnson.
- Quá mẫn, phù mạch.
- Nếu tình trạng kích ứng tăng dần, bạn nên ngừng sử dụng Nystatin và đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
2. Ảnh hưởng của thuốc nấm miệng Nystatin lên một số đối tượng cụ thể
2.1. Phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể chứng minh liệu thuốc nấm miệng Nystatin có ảnh hưởng đến thai nhi hay là thuốc có bài tiết vào sữa mẹ không. Vì vậy, cần lưu ý:
- Nystatin chỉ được kê đơn trong thời kỳ mang thai nếu những lợi ích có thể thu được lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra với thai nhi.
- Tuy thuốc ít hấp thu qua đường tiêu hóa, cần cẩn trọng khi chỉ định nystatin cho phụ nữ đang cho con bú.
2.2. Người lái xe và vận hành máy móc
Nystatin không gây ảnh hưởng lên người lái xe hay vận hành máy móc nên mọi người có thể yên tâm sử dụng.
3. Tương tác thuốc
Thuốc sẽ bị mất tác dụng kháng Candida albicans nếu dùng đồng thời với riboflavin phosphate (vitamin B2). Mọi người cần chú ý dùng cách xa nhau để các thuốc phát huy tốt tác dụng của chúng.
4. Bảo quản
- Bảo quản nơi khô thoáng, nhiệt độ dưới 25 độ C, tránh ánh sáng, tránh đông lạnh.
- Sau khi sử dụng, bảo quản cẩn thận, để xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi trong nhà.
- Kiểm tra kỹ hạn dùng, không sử dụng thuốc khi đã hết hạn.
5. Xử trí quá liều
- Thuốc không bị hấp thu qua da và niêm mạc nên khi dùng quá liều hoặc tình cờ uống không gây ra độc tính toàn thân.
- Nếu chẳng may nuốt quá nhiều thuốc xuống hệ thống tiêu hóa thì có thể xử lý bằng cách rửa dạ dày, sau đó dùng thuốc tẩy và điều trị hỗ trợ thích hợp.
6. Xử trí khi quên liều
- Dùng thuốc ngay sau khi đã nhớ ra liều bị quên.
- Trong trường hợp liều nystatin bị quên kề với liều dùng tiếp đó thì bỏ qua liều quên và dùng thuốc theo đúng lịch trình.
- Tuyệt đối không được sử dụng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều bị quên.
>>> Xem bài viết: Chế độ ăn uống cho người bị nấm miệng
Như vậy có thể thấy nystatin là thuốc trị nấm miệng tương đối an toàn và hiệu quả. Mọi người nên lưu ý cách sử dụng thuốc nystatin để quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất. Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số HOTLINE: 19009482 để được các Dược sĩ đại học giải đáp và tư vấn cụ thể.