Nấm móng tay là một căn bệnh không còn xa lạ với nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Với đặc điểm khí hậu nóng ẩm như nước ta chính là môi trường thuận lợi để các loại nấm sinh sôi và phát triển. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, làm cho người bệnh thiếu tự tin khi giao tiếp và gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy những điều bạn cần biết về căn bệnh này là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
I. Nguyên nhân gây bệnh nấm móng tay
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nấm móng tay có nguồn gốc chủ yếu từ 3 loại nấm:
- Nấm sợi: chủ yếu do một số chủng Trichophyton spp.
- Nấm men: chủ yếu do một số chủng nấm Candida
- Nấm mốc
Trong đó, nấm sợi là nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm trên 90% các trường hợp nấm móng.
Nhiều trường hợp bị nấm khi tiếp xúc trực tiếp với người có nấm ngoài da, hoặc dùng chung đồ sinh hoạt cá nhân: dụng cụ làm móng, khăn tay, bao tay… đã bị nhiễm trùng.
Nếu móng tay của bạn thường xuyên ẩm ướt, các loại nấm sẽ có cơ hội sinh sôi và phát triển thành bệnh.
Nấm sẽ gây ra nhiễm trùng móng tay khi chúng xâm nhập vào:
- Vết cắt nhỏ, vết xước trên da xung quanh móng tay
- Vết nứt trên móng tay
- Khoảng giữa các ngón tay
II. Yếu tố nguy cơ nhiễm nấm móng tay
Mặc dù chúng ta có thể ngăn ngừa được những nguyên nhân gây nhiễm nấm móng tay trên, nhưng hãy nhớ rằng, luôn có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh này. Cụ thể khi bệnh nhân có những đặc điểm như:
- trên 65 tuổi
- mắc bệnh tiểu đường, bệnh vẩy nến hoặc các bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch như: AIDS, ung thư…
- mắc bệnh về tuần hoàn
- hay đeo móng tay giả
- để ngón tay ẩm ướt trong một thời gian dài mà không vệ sinh đúng cách
- bị chấn thương móng tay hoặc vùng da quanh móng tay
- làm việc thường xuyên trong môi trường ẩm ướt
- sống chung với người từng hoặc đang bị nấm móng tay, hoặc tiền sử gia đình có người bị nấm móng tay
- dùng bể bơi công cộng
Ngoài ra, nhiễm nấm móng tay cũng xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới và người cao tuổi.
III. Triệu chứng của nấm móng tay
Nấm móng tay có thể ảnh hưởng đến một phần móng, toàn bộ móng, thậm chí là nhiều móng. Để ý xem móng tay của bạn có ít nhất một trong những dấu hiệu, triệu chứng sau đây hay không:
- màu trắng, ố vàng, nâu
- móng tay giòn, dễ gãy vụn, hoặc dày
- móng tay cong
- móng tay biến dạng, méo mó, hoặc bị teo
- có mùi hôi
Nếu thấy móng tay của mình có các thay đổi trên thì khả năng rất cao bạn đã nhiễm nấm móng tay. Việc bạn nên làm ngay sau đó là đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.
IV. Khả năng lây lan của nấm móng tay
Nấm móng tay có thể điều trị được nhưng nó cũng có khả năng lây lan rất nhanh và dễ tái phát nếu không được quan tâm và chăm sóc đúng cách.
Bệnh có khả năng lan từ móng tay này sang móng tay khác. Ban đầu, bệnh tiến triển ở phần móng, sau đó nhanh chóng xâm lấn và phá hủy các tế bào bên dưới móng.
Nấm móng tay cũng có nguy cơ lây lan từ cá thể này sang cá thể khác. Nguyên nhân do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng chung đồ cá nhân như: khăn tắm, quần áo, bao tay…
V. Biến chứng của nấm móng tay
Nấm móng tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng làm giảm khả năng lao động, thường gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. May mắn là, hầu hết chúng có thể được điều trị thành công mà không có biến chứng sau đó.
Cần đặc biệt quan tâm hơn với bệnh nhân đái tháo đường vì đây là đối tượng dễ bị biến chứng. Các biến chứng trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể bao gồm tổn thương móng hoặc mất vĩnh viễn, nhiễm trùng lan rộng. Một số ít trường hợp có thể phát triển thành bệnh viêm mô tế bào. Tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia về da liễu. Tuy vậy, bạn cũng không cần quá lo lắng do nấm móng tay thường có tiên lượng tốt nếu được điều trị kịp thời.
VI. Phương pháp điều trị nấm móng tay
Điều trị nấm móng tay thường là một quá trình lâu dài và tốn kém, chưa kể bệnh còn có xu hướng tái phát khá cao. Phần lớn bệnh khó điều trị và dai dẳng là do móng tay mọc chậm và nhận được rất ít máu. Tuy nhiên, với những tiến bộ gần đây trong nghiên cứu và khoa học, chúng ta ngày càng có nhiều lựa chọn hơn trong việc điều trị. Cụ thể, có các dạng: thuốc bôi tại chỗ, thuốc uống và các liệu pháp thay thế khác. Những thuốc có sẵn mà không cần kê đơn thường không được các chuyên gia khuyến nghị vì tác dụng của chúng chưa được đánh giá cao.
1. Thuốc bôi tại chỗ cho nấm móng tay
Đây là loại thuốc bôi ngoài da và vùng móng tay, có tác dụng tiêu diệt nấm và một số mầm bệnh khác. Một số thuốc thường dùng: dạng dung dịch như: ciclopiroxolamin, dạng kem như: amorolfine, ketoconazole, terbinafine, miconazole, clotrimazole…
Bên cạnh đó, người ta cũng có thể tiến hành sơn móng tay hay dùng kem dưỡng chống nấm. Chẳng hạn như ciclopirox, được kê đơn cho những trường hợp nhiễm nấm móng tay nhẹ đến trung bình. Các thuốc này được sơn trực tiếp lên những móng tay bị nấm và vùng da xung quanh. Sơn trong vòng vài tháng, tùy vào loại nấm gây nhiễm trùng và mức độ nhiễm trùng. Phương pháp này phát huy hiệu quả nhất khi được sử dụng ở giai đoạn đầu của nhiễm trùng.
Vì khó có thể xâm nhập và tiếp cận vào các lớp sâu của móng để điều trị tận gốc nên phương pháp bôi tại chỗ thường không mang lại hiệu quả cao như dùng viên uống. Tuy vậy, một số người vẫn lựa chọn phương pháp này vì ít gặp tác dụng phụ hơn.
2. Thuốc uống cho nấm móng tay
Hầu hết thuốc uống trị nấm hiệu quả thường là những thuốc kê đơn. Bác sĩ có thể kê cho bạn một trong các thuốc: fluconazole, griseofulvin, itraconazole, terbinafine. Với mỗi đối tượng là trẻ em hay người lớn thì liều lượng và cách dùng cũng sẽ khác nhau. Không nên sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Quá trình điều trị thường mất khoảng 4 tháng trước khi thay thế hoàn toàn móng bị nhiễm trùng bằng móng mới khỏe mạnh. Phương pháp này hiệu quả vì các thuốc vào trong cơ thể và xâm nhập được vào móng tay chỉ trong vòng vài ngày kể từ khi bắt đầu trị liệu.
Lưu ý: Tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra: phát ban da và tổn thương gan. Thuốc không được khuyến cáo cho những bệnh nhân bị suy tim sung huyết hoặc bệnh gan.
Trong một số trường hợp, để tăng hiệu quả điều trị, thuốc uống có thể phối hợp cùng thuốc bôi tại chỗ.
3. Một số liệu pháp điều trị thay thế
3.1. Phẫu thuật
Nếu nấm móng gây đau dữ dội, bạn nên lựa chọn phương pháp phẫu thuật:
- Móng tay dày có thể được loại bỏ hóa học bằng cách đắp hợp chất urê. Kỹ thuật này nên được tiến hành bởi bác sĩ phẫu thuật hoặc bác sĩ chuyên về da liễu.
- Cắt bỏ phần móng bị nhiễm trùng để móng mới mọc vào vị trí của nó, tuy nhiên có thể mất gần một năm để móng mới mọc lại hoàn toàn. Đây cũng được coi là một phương pháp điều trị bổ trợ cho liệu pháp đường uống.
- Liệu pháp kết hợp giữa uống, bôi và phẫu thuật sẽ làm tăng hiệu quả và giảm chi phí cho các đợt điều trị đang diễn ra.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chọn loại bỏ toàn bộ móng tay.
3.2. Điều trị bằng laser
Một trong những phương pháp điều trị nấm móng tay mới nhất là liệu pháp laser. Chùm tia laser có thể xuyên qua mô móng tay, phá vỡ và tiêu diệt nấm cùng các mầm bệnh khác. Một số bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu hoặc đau nhẹ trong quá trình phẫu thuật. Các báo cáo cho thấy rằng liệu pháp laser có hiệu quả tương đương với liệu pháp y tế. Phương pháp điều trị này có thể rất tốn kém vì thường cần phải lặp lại nhiều lần.
VII. Cách phòng ngừa nấm móng tay
Nếu không muốn bản thân mắc phải một thứ bệnh bất tiện và dai dẳng như nấm móng tay, bạn cần phải đảm bảo được lối sống sinh hoạt hàng ngày đảm bảo vệ sinh và sạch sẽ. Để làm được điều này, hãy rèn luyện cho bản thân những thói quen sau:
- Rửa tay chân thường xuyên. Rửa tay sau khi bôi thuốc hoặc chạm vào móng tay bị nhiễm trùng. Dưỡng ẩm cho móng tay sau khi rửa.
- Cắt móng tay thẳng theo chiều ngang, dùng dũa làm phẳng các cạnh. Khử trùng bộ dụng cụ làm móng sau mỗi lần sử dụng.
- Tránh cạo hoặc tỉa phần da xung quanh móng tay.
- Nên để móng tay ngắn, khô, sạch sẽ. Hạn chế sờ, cắn móng tay.
- Thường xuyên đeo găng tay cao su khi rửa bát, giặt giũ hoặc làm những công việc liên quan đến nước.
- Lau khô bàn tay sau khi tắm rửa, đặc biệt là vùng giữa các ngón tay.
- Làm móng ở những nơi tin cậy, đảm bảo an toàn và khử trùng dụng cụ thường xuyên.
- Hạn chế sơn móng tay và làm móng tay giả, tốt nhất là nên bỏ.
- Không sử dụng chung khăn tắm, bao tay, quần áo… với người khác, đặc biệt là người đã từng hoặc đang bị nấm.
Nấm móng tay là một trong những bệnh da liễu rất phổ biến và gây nhiều bất tiện cho người bệnh. Do vậy, bạn cần giữ cho mình thói quen vệ sinh cũng như chăm sóc bản thân đúng cách ngay từ đầu để không vướng phải căn bệnh này. Nếu nhận thấy những thay đổi ở móng tay thì tốt nhất hãy đến cơ sở y tế để phát hiện bệnh. Không nên để bệnh có cơ hội tiến triển nhanh và lây lan cho người khác. Bạn cũng cần nói với những người thân thiết của mình về tình trạng nhiễm nấm gặp phải để họ có thể đề phòng.