Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm hay gặp ở trẻ em. Với tính chất lây lan nhanh từ người sang người, bệnh dễ bùng phát thành đợt dịch lớn. Dịch tay chân miệng thường xuất hiện thành 2 đợt từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Bệnh tay chân miệng nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời sẽ để lại những biến chứng khó lường. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh tay chân miệng để có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.
I. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh gây ra bởi các loại virus sống ký sinh trong đường ruột. Trong đó, hai tác nhân gây bệnh điển hình nhất là Coxsackie virus A16 (CV A16) và Enterovirus 71 (EV71).
Virus CV A16 thường gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ, ít nguy hiểm và có thể tự khỏi. Mặt khác, nếu nguyên nhân gây bệnh do EV71 có thể gây biến chứng viêm màng não, phù phổi cấp, thậm chí khiến trẻ tử vong.
Enterovirus gây nhiều biến chứng thần kinh và tim mạch nguy hiểm đối với trẻ
Qua điều tra dịch tễ những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra 2 chủng virus mới là CV A6 và CV A10 cũng là nguyên nhân gây bệnh. Các chủng mới này có thể gây bệnh trên cả người trưởng thành. Các dấu hiệu chính của bệnh là tổn thương da, niêm mạc dạng phỏng nước ở vùng miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông và đầu gối.
II. Con đường lây nhiễm, cách phòng ngừa
Vì khả năng lây lan nhanh và virus ngày càng biến đối để thoát khỏi miễn dịch của cơ thể nên bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng. Do đó, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ con đường lây nhiễm cũng như cách phòng ngừa bệnh hiệu quả cho con em mình.
1. Con đường lây bệnh
Bệnh tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Con đường lây bệnh chủ yếu là qua đường tiêu hóa và hô hấp. Cụ thể:
- Lây qua đường hô hấp do hít hoặc nuốt phải các giọt bắn qua hoạt động ho, hắt hơi của người bệnh.
- Lây bệnh thông qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung.
- Tiếp xúc với dịch tiết từ các phỏng nước hoặc phân của trẻ nhiễm bệnh.
- Sử dụng chung đồ chơi, vật dụng cá nhân với trẻ bị tay chân miệng.
Một số yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, khu vui chơi dành cho trẻ em là yếu tố nguy cơ truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
2. Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả
Tay chân miệng là bệnh có thể gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Mỗi lần bùng phát, dịch tay chân miệng có thể lên tới số lượng hàng nghìn trẻ mắc bệnh trên cả nước. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu. Vì vậy, các biện pháp phòng bệnh luôn là mối quan tâm lớn nhất của các bậc cha mẹ để bảo vệ sức khỏe con trẻ. Dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh hiệu quả mà cha mẹ có thể áp dụng:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần (cả bố mẹ và trẻ). Đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ. Và sau khi đi vệ sinh, thay tã và vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm: ăn chín uống chín. Trong bữa ăn, không nên mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm thìa.
- Các vật dụng đựng đồ ăn cần được tráng rửa sạch sẽ, tốt nhất là tráng bằng nước sôi. Bố mẹ cần đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
- Thường xuyên vệ sinh nơi ở, các bề mặt tiếp xúc như: đồ chơi, vật dụng cá nhân, tay nắm cửa, mặt bàn/ ghế bằng xà phòng hoặc các chất tẩy thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi dịch xảy ra tại nơi cư trú, phụ huynh nên cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, không cho trẻ đến trường hay nơi đông người.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và chất thải của trẻ bị bệnh phải được thu gom và xử lý riêng.
- Nếu trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao, nổi phỏng nước ở miệng, lòng bàn tay, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo cho cơ sở y tế gần nhất.
>>> Xem bài viết: Bệnh tay chân miệng – Con đường lây nhiễm và 10 cách phòng ngừa hiệu quả
III. 4 cấp độ của bệnh và nguyên tắc điều trị
Bệnh tay chân miệng có có triệu chứng điển hình như: loét miệng, phát ban dạng phỏng nước và sốt nhẹ. Để có biện pháp điều trị đúng, trẻ cần phải được khám và phân loại mức độ bệnh. Sau đây là 4 cấp độ của bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y Tế:
1. Độ 1 – Chỉ gây loét miệng và/ hoặc tổn thương da
Đây là mức độ nhẹ nhất của bệnh. Các vết loét và mụn nước có thể gây đau rát và khiến trẻ khó chịu. Tuy nhiên, đa số các trường hợp độ 1 chỉ cần điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế.
Cha mẹ cần chú ý vệ sinh vết loét miệng và tổn thương ngoài da bằng dung dịch sát khuẩn để tránh biến chứng nhiễm khuẩn. Nếu trẻ sốt cao có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao trên 39⁰C trong 3 ngày liên tiếp, trẻ nôn ói nhiều, ngủ gà thì cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để xử lý kịp thời.
Hình ảnh các tổn thương da và miệng đặc trưng của bệnh tay chân miệng
2. Độ 2 – Bệnh bắt đầu có dấu hiệu tổn thương thần kinh và tim mạch
Độ 2 được phân thành 2 phân độ nhỏ:
2.1. Độ 2a
Trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
- Trẻ giật mình dưới 2 lần/ 30 phút và không ghi nhận lúc khám.
- Trẻ sốt trên 2 ngày hay sốt trên 39⁰C, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
Những triệu chứng trên phản ánh trẻ đang có dấu hiệu nhiễm trùng và cần được điều trị ngay. Hướng xử trí trường hợp này như sau:
- Đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
- Hạ sốt bằng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ. Hoặc ibuprofen với tổng liều tối đa 40mg/kg/ngày.
- Thuốc an thần gây ngủ và chống co giật: Phenobarbital 5 -7mg/kg/ngày (uống).
2.2. Độ 2b
Nhóm 1: Trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
- Trẻ giật mình ghi nhận lúc khám.
- Bệnh sử có giật mình ≥2 lần/30 phút.
- Bệnh sử có giật mình kèm một dấu hiệu sau: ngủ gà, mạch nhanh > 150 lần/ phút (khi trẻ nằm yên, không sốt), sốt cao ≥ 39oC không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Nhóm 2: Trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
- Thất điều: run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
- Rung giật nhãn cầu, lác mắt.
- Yếu chi hoặc liệt chi.
- Liệt thần kinh sọ: nuốt sặc, thay đổi giọng nói,…
Phân độ 2b cần được điều trị tại phòng cấp cứu hoặc hồi sức tích cực. Bởi đây là giai đoạn nặng dễ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Một số biện pháp xử trí có trong hướng dẫn điều trị của bộ Y Tế:
- Để trẻ nằm đầu cao 30⁰, hạ sốt tích cực và thở oxy nếu cần thiết
- Sử dụng thuốc chống co giật, an thần: Phenobarbital 10 – 20 mg/kg truyền tĩnh mạch.
- Có thể sử dụng Immunoglobulin (huyết thanh chứa kháng thể để tăng cường miễn dịch cho cơ thể) trong trường hợp cần thiết.
- Theo dõi chỉ số mạch, huyết áp, nhịp thở, thân nhiệt của bệnh nhân liên tục
- Đo độ bão hòa oxy SpO2.
3. Độ 3 – Xuất hiện biến chứng thần kinh, tim mạch và hô hấp nặng
- Mạch nhanh > 170 lần/ phút (khi trẻ nằm yên, không sốt). Một số trẻ em có thể có mạch chậm phản ánh mức độ nặng của bệnh.
- Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú.
- Huyết áp tăng.
- Dấu hiệu hô hấp: thở nhanh, thở bất thường. có cơn ngưng thở. Trẻ thở bụng, thở nông, rút lõm lồng ngực, khò khè, thở rít thanh quản.
- Rối loạn tri giác (Glasgow < 10 điểm).
- Tăng trương lực cơ.
Trong trường hợp này trẻ cần được đưa ngày vào phòng hồi sức tích cực. Ngoài các biện pháp xử trí như cấp độ 2, trẻ sẽ được dùng thêm một số loại thuốc như:
- Hỗ trị khi có triệu chứng suy tim: dobutamin.
- Hạ huyết áp: milrinone truyền tĩnh mạch.
- Điều trị co giật (nếu có): midazolam, diazepam.
- Điều chỉnh rối loạn nước và điện giải, toam kiềm
4. Độ 4 – Bệnh có triệu chứng sốc
- Sốc (mạch = 0, huyết áp = 0,…).
- Phù phổi cấp, tím tái, SpO2 < 92%.
- Ngưng thở, thở nấc.
Cấp độ 4 là giai đoạn nặng nhất của bệnh, đe dọa tới tính mạng trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức chú ý không để bệnh của bé diễn biến nặng. Khi trẻ có biểu hiện sốc, bác sĩ phải thực hiện một số biện pháp sau:
- Đặt nội khí quản.
- Chống sốc: truyền dịch Natri clorid 0,9% hoặc dung dịch Ringer lactat (chưa có dấu hiệu phù phổi hoặc suy tim).
- Điều trị suy tim mạch: dobutamin.
- Điều trị phù phổi cấp: ngừng truyền dịch, dùng dobutamin và thuốc lợi tiểu furosemid.
- Sử dụng huyết thanh miễn dịch nếu huyết áp trung bình > 50 mmHg.
- Kháng sinh: khi có bội nhiễm hoặc chưa loại trừ nhiễm khuẩn nặng.
- Theo dõi các chỉ số mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở thường xuyên.
Tất cả trường hợp nhập viện cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ để tránh những rủi ro xấu nhất đối với trẻ.
>>> Xem bài viết: Hình ảnh bệnh tay chân miệng điển hình
IV. Cách chăm sóc bé bị tay chân miệng tại nhà
1. Cách hạ sốt
Sốt cao là triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh tay chân miệng. Để hạ sốt cho trẻ, cha mẹ cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Trẻ sốt <38,5⁰ C: chỉ cần chườm ấm đến khi nhiệt độ <37,5⁰ C.
- Trẻ sốt >38,5 ⁰ C: Dùng thuốc Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ. Trường hợp trẻ sốt cao không đáp ứng tốt với paracetamol có thể phối hợp với ibuprofen 10 – 15 mg/kg/lần lặp lại mỗi 6 – 8 giờ nếu cần (dùng xen kẽ với các lần sử dụng paracetamol).
Thuốc hạ sốt có thể gây ra nhiều tác dụng phụ vì vậy trẻ chỉ sử dụng theo đơn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
2. Cách xử lý loét miệng
Loét miệng là các vết đỏ hoặc dạng phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi gây đau đớn. Để xử lý vết loét miệng nhanh chóng thì việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không cho vi khuẩn phát triển trong khong miệng là biện pháp quan trọng nhất. Vì vậy, bạn cần phải vệ sinh vết loét miệng cho trẻ thường xuyên bằng sản phẩm sát khuẩn hiệu lực mạnh. Vai trò của các dung dịch sát khuẩn là:
- Giảm đau vết loét, giúp trẻ ăn tốt hơn, không bỏ bú, không quấy khóc về đêm.
- Giữ cho vết loét luôn đảm bảo vô khuẩn, tránh bội nhiễm gây biến chứng nặng hơn.
- Kích thích quá trình tự chữa lành của cơ thể.
Một điểm cần chú trọng là phải lựa chọn được dung dịch sát khuẩn vừa có hiệu lực mạnh và không ảnh hưởng tới sức khỏe do trẻ rất dễ nuốt phải. Các sản phẩm trên thị trường có một số nhược điểm:
- Nước muối sinh lý: không có tác dụng sát khuẩn.
- Dung dịch súc miệng: tác dụng sát khuẩn yếu, chủ yếu đem lại mùi hương và làm dịu khoang miệng.
- Dung dịch sát khuẩn y tế: gây đau xót, tổn thương niêm mạc miệng, cản trở quá trình lành thương tự nhiên. Nếu nuốt phải có thể gây độc cho cơ thể.
- Gel, kem sát khuẩn, gây tê tại chỗ: không có tác dụng sát khuẩn, ttiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như dị ứng, tê lưỡi, rối loạn tim mạch,…
3. Cách kiểm soát phát ban, mụn nước
Ngoài loét miệng, bệnh tay chân miệng còn gây ra tình trạng phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, thậm chí cả vùng mông và đầu gối. Phỏng nước có chứa nhiều virus và rất dễ vỡ. Nhằm tránh để virus lan rộng thì bạn cần phải dùng dung dịch sát khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn, virus gây bệnh. Tiêu chí để lựa chọn dung dịch sát khuẩn để kiểm soát phát ban, mụn nước là:
- Phổ tác dụng rộng và hiệu lực mạnh: tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm.
- Hiệu quả nhanh.
- An toàn, không gây đau xót.
- Không gây đề kháng, không làm tổn thương mô hạt và cản trở quá trình hồi phục vết thương.
- Không chứa kháng sinh, corticoid.
Dizigone là một trong những dung dịch kháng khuẩn đáp ứng đủ các tiêu chí trên và được nhiều bác sĩ khuyên dùng. Để sử dụng hiệu quả, bạn cần làm theo các bước sau:
- Pha loãng dung dịch với nước theo tỉ lệ 1:2 để rửa các nốt mụn ngoài da. Thời gian sử dụng 2 – 3 giờ/lần.
- Có thể kết hợp với Dizigone Nano Bạc để giúp vết mụn mau lành hơn.
- Với vết loét miệng, cho bé súc miệng với dung dịch 3 – 4 lần/ngày. Nếu bé gặp khó khăn khi súc miệng, có thể thấm dung dịch vào gạc rơ lưỡi để vệ sinh cho bé.
4. Chế độ ăn uống, sinh hoạt
Một trong những nguyên tắc điều trị bệnh là tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Trẻ bị tay chân miệng cần phải bổ sung một số thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu protein: trứng, sữa và các thực phẩm từ sữa.
- Bổ sung nước, có thể thay thế bằng nước dừa hoặc các loại sinh tố hoa quả để bổ sung thêm vitamin A, C.
- Đồ ăn mát, thanh nhiệt như bột sắn dây, các loại đậu; trái cây như đu đủ.
Bệnh tay chân miệng gây mụn nước ở niêm mạc miệng nên trẻ thường khó ăn, chán ăn. Vì vậy, các mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn mềm hoặc các loại cháo dinh dưỡng: cháo sườn bí đỏ, cháo gà hạt sen,… Nếu trẻ ăn kém, bạn có thể chia nhỏ bữa ăn 3 – 5 bữa/ ngày để trẻ có thể ăn nhiều hơn.
Mặt khác, bé cũng phải tránh các đồ ăn mặn hoặc cay nóng vì nó khiến vết loét lâu lành hơn. Khi bị bệnh, trẻ nên tránh ăn một số thực phẩm giàu arginin như đậu phộng, socola, nho khô hoặc thực phẩm giàu chất béo bão hòa (phô mai, bơ).
Trong quá trình điều trị, trẻ cần phải được nghỉ ngơi hợp lý. Cha mẹ nên tránh để trẻ nô đùa quá nhiều khiến trẻ mệt mỏi hơn.
>>> Xem bài viết: Tay chân miệng kiêng gì để mau khỏi bệnh?
V. Giải đáp một số thắc mắc về bệnh tay chân miệng
1. Bệnh chân tay miệng bao lâu thì khỏi?
Thông thường, bệnh tay chân miệng thể nhẹ có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh.
Tuy nhiên, bạn cần chăm sóc trẻ theo đúng hướng dẫn để tránh tình trạng nhiễm trùng hoặc biến chứng thần kinh, tim mạch. Nếu trẻ có dấu hiệu tổn thương tim mạch, thần kinh cần điều trị tích cực tại bệnh viện làm kéo dài thời gian khỏi bệnh.
2. Người bị bệnh chân tay miệng có được tắm không?
Theo quan niệm dân gian, trẻ bị tay chân miệng phải kiêng tắm trong thời gian điều trị. Việc kiêng cữ này không đảm bảo giúp trẻ khỏi bệnh nhanh và tránh được biến chứng nguy hiểm.
Mụn nước trên cơ thể là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển. Nếu trẻ không tắm rửa bằng xà phòng hoặc sát khuẩn các nốt mụn sẽ dễ gây nhiễm trùng nặng làm kéo dài thời gian điều trị. Chính vì thế, trẻ phải tắm và vệ sinh chân tay sạch sẽ với xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn để loại bỏ virus bám dính trên da.
Trong quá trình tắm rửa, các mẹ nên nhẹ nhàng để tránh làm vỡ các bọng nước. Việc này có thể hạn chế làm đau trẻ và giảm nguy cơ lây lan bệnh.
3. Bệnh nhân có cần kiêng gió không?
Nhiều cha mẹ cho rằng nếu trẻ bị bệnh tay chân miệng cần phải ủ kín, không được ra gió. Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của cách làm này. Thậm chí, việc để trẻ kiêng gió có thể làm trẻ bị sốt cao hơn. Biện pháp tốt nhất là để trẻ được cách ly trong không gian thoáng mát, sạch sẽ.
Trẻ không cần phải kiêng gió nhưng cũng không nên để gió mạnh tạt vào. Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý không mặc quá nhiều quần áo kín cho con để tránh gây bí bức da, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
4. Người lớn có nguy cơ mắc bệnh không?
Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ em do sức đề kháng của trẻ còn yếu nên virus dễ tấn công và gây bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, virus vẫn có thể gây bệnh trên rất nhiều người trưởng thành. Bệnh tay chân miệng ở người lớn thường diễn biến âm thầm, khó phát hiện hơn trẻ em.
Những đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng bao gồm:
- Người có hệ miễn dịch suy giảm, không đủ sức đề kháng chống lại virus.
- Người chăm sóc trẻ bị nhiễm bệnh không đảm bảo các nguyên tắc an toàn vệ sinh khi tiếp xúc.
- Phụ nữ có thai là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bệnh tay chân miệng có thể gây ra nhiều biến chứng sản khoa: tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, nhiễm trùng khi mang thai,…
Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho chính bạn và người xung quanh thì vệ sinh cá nhân thường xuyên đóng vai trò rất quan trọng. Người trưởng thành cũng dễ gặp biến chứng nặng hơn trẻ em. Vì vậy, bạn cần chú ý theo dõi sức khỏe của mình thường xuyên nếu đang có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.
>>> Xem bài viết: Tay chân miệng ở người lớn: Hiếm gặp nhưng không thể coi thường
5. Khi nào cần đưa bé đến bệnh viện?
Các trường hợp bệnh nhẹ, trẻ có thể được điều trị ngoại trú và theo dõi tại nhà. Bệnh có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày.
Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng là một bệnh có diễn biến trở nặng nhanh nên cha mẹ cần theo dõi sức khỏe bé thường xuyên. Nếu bé có một trong các dấu hiệu sau, cần phải đưa bé tới ngay cơ sở y tế:
- Sốt cao ≥ 39⁰ C. Trẻ phải được theo dõi nhiệt độ thường xuyên.
- Thở nhanh, khó thở, thở khò khè.
- Giật mình, run tay, đi loạng choạng.
- Lừ đừ, bứt rứt khó ngủ, quấy khóc, nôn nhiều.
- Da nổi vân tím, vã mồ hôi, chân tay lạnh.
- Nặng nhất là trẻ có thể bị co giật và rơi vào hôn mê.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, phòng bệnh là biện pháp quan trọng bảo vệ sức khỏe con bạn. Hy vọng những thông tin trong bài viết giúp bạn hiểu rõ về bệnh và có hướng xử lý kịp thời. Để được tư vấn về cách điều trị và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, hãy gọi tới số HOTLINE: 19009482. Đội ngũ dược sĩ giàu kinh nghiệm của chúng tôi sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của bạn sớm nhất.
Tham khảo: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em – Bộ Y Tế